Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê Chè ưa sống ở vùng núi cao. Arabica thường được trồng ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4-6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt. Arabica có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê.
Trên thị trường cà phê Arabica luôn được đánh giá cao hơn vì có hương vị thơm ngon. Giá cà phê Arabica thường cao hơn gấp đôi so với giá cafe Rubusta. Cà phê Arabica đại diện cho khoảng gần 70% các sản phẩm cà phê cao cấp trên thế giới. Arabica có nguồn gốc từ vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia, đông Phi. Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất.
Ở Việt Nam,Tỉnh Lâm đồng với các địa phương như Di Linh, bảo Lộc, Đơn Dương, vùng ngoại ô Đà Lạt, đặc biệt là vùng Cầu Đất, được coi là thiên đường cà phê Arabica của Việt Nam với những “chỉ số vàng”, cao 1.500 m. Khí hậu ôn đới mát quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 33 độ, nhiệt độ cực tiểu 5 độ. Đây là vùng sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao nhất cả nước. Địa hình càng cao, khí hâu càng lạnh hơn, càng cho ra những hạt cà phê Arabica chất lượng tuyệt hảo.
Các chủng cà phê thuộc dòng Arabica đặc biệt thơm ngon có Bourbon, Typica, Mocha (moka) – những chủng cà phê có lâu đời nhất trên trái đất. Nhưng cả ba chủng này rất khó trồng vì năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh nên dần bị loại ra khỏi các rẫy cà phê và được thay thế dần bởi chủng Catimor – loại được phát triển tại Bồ Đào Nha năm 1959, là sự lai tạo của hai giống Caturra và Timor (Timor lại là sự lai tạo của coffea canephora dòng robusta với arabica). Loại này dễ trồng hơn, năng suất cao và có thể kháng được sâu bệnh. Hiện nay, đối với Arabica ở Việt Nam, Catimor được trồng phổ biến rộng rãi ở hầu hết các vùng nguyên liệu cà phê lớn trên cả nước. cách đây vài năm chủng “Moka” được trồng ở vùng Cầu Đất, Xuân Trường, Đà Lạt, cà phê này đặc biệt thơm ngon nổi tiếng nên được các nhà rang xay tận dụng để quảng cáo cho sản phẩm rang xay của mình.
Theo một số chuyên gia, chủng cà phê được trồng ở vùng Cầu Đất không phải là chủng Moka mà đó là chủng Typica. Cà phê mocha có nguồn gốc từ Yemen và Ethiopia với một lịch sử lâu đời gắn liền với tên của một cảng xuất khẩu cà phê có tên địa phương (ở Yemen) là Makha được những người châu Âu đọc là Mocha. Hạt của cafe Moka to hơn hầu hết các loại cà phê khác. Trong khi những lời đồn về hạt cà phê Mocha ở Đà lạt là rất to, cây cà phê ở Cầu Đất quan sát được cũng rất cao – từ 3,5-4m – thì thấy rất giống với mô tả của cà phê Typica. Ngay cả giống Typica thu lượm được một ít từ hộ gia đình nông dân hiện nay cũng chỉ còn rất ít do năng suất thấp.
Arabica có vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, màu nước nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách. Mùi hương của Arabica rất thanh tao, quí phái, Arabica có mùi của si-rô, mùi của hoa trái, hòa quyện với mùi của mật ong, và cà mùi bánh mì nướng, mùi của cánh đồng rơm buổi trưa hè… Arabica chinh phục những con người sành điệu ẩm thực nhất trên thế giới. Cà phê Arabica là nguyên liệu chính của các hãng cà phê, các thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất trên thế giới.
Đáng tiếc thay, do không có đủ thông tin và nhận thức về cà phê cao cấp, hầu hết người Việt Nam không nghĩ rằng cà phê có vị chua. Nhiều người Việt còn cho rằng cà phê là chỉ có đắng chứ không thể chua. Vị chua thanh xen lẫn đắng dịu cùng với mùi thơm ngây ngất, tao nhã của Arabica là một món quà quí giá cho nhưng ai sành điệu cà phê, hương vị độc đáo này đánh thức niềm đam mê mãnh liệt của cả nhân loại uống cà phê. Arabica với phong vị quyến rũ, dịu dàng như 1 cô gái đại diện cho cực âm, cho phái đẹp, cho nữ tính.
Arabica – niềm đam mê của người sành điệu.